Những người kinh doanh thành công, là những người luôn dám nghĩ, dám làm, không cần đi theo “đường mòn, lối mở” sẵn có.
Mở đầu, xin gửi tới độc giả một câu chuyện. Chuyện kể: một người Do Thái bước vào ngân hàng ở New York, yêu cầu gặp người quản lý. Vừa lúc, vị Giám đốc bộ phận vay vốn đang đứng gần đó. Nhìn phong thái đĩnh đạc, bộ dạng sang trọng của vị khách, đích thân vị Giám đốc đã ra tiếp, mời vị khách người Do Thái ngồi.
-“xin hỏi ngài có việc gì không ạ?” – Vị Giám đốc hỏi
-“Tôi muốn vay một ít tiền” – vị khách Do Thái trả lời
-Vâng thưa ngài, ngài muốn vay bao nhiêu tiền?
-1 đô la Mỹ
-Chỉ 1 đô la Mỹ thôi sao?
-Đúng vậy, tôi chỉ vay 1 đô la Mỹ, như vậy có được không?
-Dĩ nhiên là được, chỉ cần có bảo lãnh, vay nhiều hơn cũng không sao.
-Được, những thứ này mang ra để bảo lãnh được chứ?
Người Do Thái vừa nói vừa rút ra 1 đống cổ phiếu, trái phiếu… từ trong chiếc ví da xịn và đặt trước bàn làm việc của giám đốc vay vốn.
-Tổng cộng khoảng 500 ngàn đô, đủ chứ?
-Đương nhiên là đủ, nhưng ngài thực sự chỉ muốn vay 1 đô la thôi sao? Lãi suất năm là 6%. Chỉ cần ngài trả đủ 6% lãi suất, khi trả lại số tiền vay thì chúng tôi sẽ trả lại số cổ phiếu này cho ngài.
Chỉ một lúc sau, mọi thủ tục đã hoàn tất, vị khách người Do Thái nhận lấy tờ 1 đô la. “Vâng, cảm ơn” vị khách Do Thái nói và đứng dậy, chuẩn bị rời khỏi ngân hàng.
Vị Giám đốc chi nhánh ngân hàng đứng gần đó, ngạc nhiên quan sát nãy giờ, ông không hiểu vì sao một người có tới 500 ngàn đô la Mỹ trong tay lại tới ngân hàng chỉ để vay 1 đô la Mỹ?. Nghĩ mãi, ông quyết tiến nhanh về phía trước rồi nói với người Do Thái:
-Xin chào ngài!
-Có chuyện gì sao?
-Tôi thực sự không hiểu vì sao trong tay ngài có 500 ngàn đô la Mỹ mà ngài chỉ vay 1 đô la Mỹ?. Nếu như ngài muốn vay 300 ngàn, 400 ngàn chúng tôi cũng sẽ rất vui lòng đáp ứng…
-Xin ông không cần phải lo lắng cho tôi – người Do Thái trả lời – chỉ là trước khi tôi đến đây, tôi đã hỏi qua mấy ngân hàng chi phí thuê két bảo hiểm của họ đều rất đắt. Do vậy tôi đang chuẩn bị sẽ gửi số cổ phiếu này tại đây. Chi phí thật sự quá rẻ, một năm chỉ có 0.06 đô la Mỹ.
Ở Mỹ, thông thường các đồ đạc quý giá sẽ phải được gửi trong két bảo hiểm của kho bạc nhà nước, ngân hàng. Đối với nhiều người mà nói đây là sự lựa chọn duy nhất. Thế nhưng vị khách người Do Thái lại không khép mình trong những lẽ thường mà dám nghĩ, dám làm theo một lối đi riêng, tìm cách để khiến các tài sản quý giá khác được khóa vào trong két bảo hiểm của ngân hàng với chi phí rất thấp.
Biết cách thay đổi tư duy để suy nghĩ vấn đề thường sẽ có được nhiều cơ hội thành công hơn.
Trong kinh doanh, việc thuận theo tự nhiên là điều mà hầu hết các doanh nhân, doanh nghiệp thường làm. Tuy nhiên, đối với những trường hợp nhất định, việc tư duy ngược, từ duy trái chiều lại mang về rất nhiều thành công, thậm chí bất ngờ cho đối thủ, đối tác. Những bài học đắt giá từ câu chuyện Bán lược cho sư hay người khách Do Thái đi vay 1 USD là ví dụ.
Trên thực tế, trong kinh doanh, miễn là có thể nghĩ ra những ý tưởng mà những người khác không nghĩ đến, tìm ra những khoảng trống thị trường mà những người khác không tìm thấy, và tạo ra các khái niệm về “độc đáo” và “duy nhất”, thì bạn sẽ thành công.
Nhìn về thực tế, trên thị trường chứng khoán hiện nay, vẫn có rất nhiều doanh nghiệp đang sở hữu những ngành nghề độc, lạ – một mình một đường. Lợi thế của những doanh nghiệp này, đây là những cổ phiếu “độc nhất”, không có sự cạnh tranh của các cổ phiếu cùng ngành. Nhưng đây cũng chính là điểm bất lợi, khi các nhà đầu tư muốn có thêm lựa chọn, có sự cạnh tranh. Trên tất cả cũng đều nhờ các doanh nghiệp nắm bắt lợi thế của mình thế nào.
Doanh nghiệp bán hàng mã duy nhất trên sàn – Nông sản thực phẩm Yên Bái (mã chứng khoán CAP) – đang khiến các nhà đầu tư quan tâm khi đều đặn có lãi hàng năm. Đặc biệt, giá cổ phiếu CAP đã bất ngờ tăng mạnh, liên tục phá đỉnh với tỷ lệ tăng khoảng 63% kể từ đầu năm 2021 đến nay.
Doanh nghiệp phục vụ mai táng duy nhất trên sàn – Mai táng Hải Phòng (CPH) – cũng đạt doanh thu đều đặn trăm tỷ, cổ tức mấy năm gần đây đều 16%, và lợi nhuận xấp xỉ 9 tỷ đồng….
Cards Against Humanity (CAH), công ty kinh doanh game bài khá nổi tiếng cũng có những chiêu trò “dám nghĩ dám làm” khiến cho nhiều doanh nghiệp phải trầm trồ. Và đặc biệt, những ngày Back Friday hàng năm lại là dịp khách hàng mong chờ nhất để xem năm nay công ty tung “chiêu” gì. Những năm trước đó, CAH đã từng được biết đến là doanh nghiệp công bố tăng giá sản phẩm bài chơi game thêm 5 USD trong ngày Black Friday với miêu tả “ưu đãi chỉ có 1 lần trong đời”, và nước đi khác thường này giúp cho sản phẩm của họ tăng nhanh chóng về doanh thu.
Câu chuyện thú vị nhất của CAH có lẽ là dịp Black Friday năm 2015, công ty tung chương trình khuyến mãi có 1-0-2: Chẳng bán gì cả và “xin” khách hàng 5 USD! Trang web của công ty viết: “Năm nay, chúng tôi mang đến cho các bạn trải nghiệm Black Friday siêu đỉnh với việc không mua bất cứ sản phẩm nào của CAH với giá chỉ 5 USD. Chúng tôi đã gỡ mọi sản phẩm bán online và thay thế bằng một hình thức thanh toán đơn giản để mọi người có thể chuyển 5 USD cho chúng tôi”.
Và thật đáng kinh ngạc, có tới 11.248 người đã chuyển 5 USD cho CAH và 1.199 người chuyển nhiều hơn 5 USD bằng cách điền vào biểu mẫu nhiều lần. Thậm chí có một trường hợp hào phóng chuyển hẳn 100 USD cho công ty.
Cuối cùng, khi kết thúc chiến dịch marketing thông minh trên, CAH đã thu về 71.145 USD trong vòng 1 ngày mà không bán bất cứ mặt hàng nào! CAH là một doanh nghiệp thường xuyên quyên góp nhiều cho một số tổ chức từ thiện. Và theo truyền thống, phần lớn số tiền trên đã được CAH quyên góp cho tổ chức từ thiện.
Thậm chí, năm CAH còn tuyên bố cần tiền để thuê người đào một cái hố. Càng nhiều tiền được quyên góp, cái hố sẽ càng lớn. Sau khi đào xong, họ sẽ lấp cái hố đó lại, không vì một lý do cụ thể nào cả. Khác với năm 2015, lần này, số tiền thu được không được dùng để làm từ thiện, nhưng kết quả là CAH đã nhận được tổng cộng hơn 100.000 USD chỉ để đào và lấp một cái hố vô dụng.
Những cách làm “không giống ai” của CAH, nhìn thực tế lại là những chiến dịch marketing khôn ngoan, giúp cho khách hàng trước hết là những ấn tượng về cái tên CAH, sau đó là những tò mò để tìm hiểu sản phẩm, thậm chí sử dụng sản phẩm.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị