Đọc sách giúp bạn khôn ngoan hơn 146%. Mỗi cuốn sách bạn đọc, bạn lại tìm được 1 hoặc nhiều điểm mới. Bạn lại có ý tưởng mới. Bạn lại học được gì đó mới. Năm mới, hãy đọc sách để gia tăng giá trị bản thân!
“The Way” xây dựng nội dung song ngữ Anh – Việt gồm 8 cuốn với những chủ đề khác nhau, rất đỗi bình dị mà ta thường gặp trong cuộc sống: The way to Give Generously, The way to Move ForWard, The way to Be Thankful, The way to Encourage Others, The way to Show Compassion…
Từng chủ đề trong bộ sách được hệ thống hóa với những câu chuyện ngắn bằng tiếng Anh nguyên bản. Mỗi ngày chỉ cần dành thời gian 15 – 30 phút, bạn vừa đọc sách, vừa học được cả từ vựng, cụm từ và ngữ pháp, lẫn chiêm nghiệm lại chính mình thông qua những câu chuyện đầy yêu thương.
Bộ sách xây dựng cốt lõi là những câu chuyện, châm ngôn, điển tích sống đẹp… Đó là những câu chuyện về việc theo đuổi ước mơ, lòng kiên trì, giá trị của sự im lặng từ bài học của Đức Phật, bài học về lòng yêu thương, vượt lên những thất bại, sống đúng bản chất của mình… chắc chắn sẽ chạm đến tâm tưởng, trái tim bạn đọc.
The Way đong đầy những bài học nhỏ về cuộc sống để giúp bạn khởi động một năm mới với khí chất phơi phới, hướng đến giá trị sống đẹp của “đạo làm người”. Mỗi trang sách “The Way” với lượng nội dung đơn giản, súc tích kèm theo những hình ảnh bắt mắt như một bàn tay xoa dịu tâm hồn, tiếp thêm nguồn động viên và sức mạnh giúp chúng ta có thể vượt qua những khó khăn, để thấy cuộc đời đáng sống đến thế.
Đa năng trong thế giới phẳng
Tư duy thích nghi để thiết kế cuộc đời nhiều đam mê
Nếu bất kỳ ai vẫn còn đang loay hoay xê dịch từ việc nọ sang việc kia, lĩnh vực này sang lĩnh vực khác… mỗi thứ giỏi một chút. Tin tốt đấy! Chắc hẳn bạn phải là một người đa năng lực (thuật ngữ tiếng Anh: multipotentialite): một người nhiều đam mê và mục tiêu mang tính sáng tạo. Đó là nội dung thú vị được đề cập trong quyển sách “Đa năng trong thế giới phẳng”.
Trong cuốn sách “Đa năng trong thế giới phẳng”, tác giả Emilie Wapnick không chỉ dừng lại ở việc đưa ra định nghĩa hoàn toàn lý thuyết suông về người đa năng lực, mà còn làm nổi bật 5 phẩm chất của một người đa năng lực (multipotentialite). Đó là: Đồng bộ hóa ý tưởng và tham gia giải quyết nhiều vấn đề “hội tụ”, Nhạy bén học hỏi nhanh, Khả năng thích ứng, Dự đoán trước xu hướng, Khả năng kết nối tốt.
Trong số những phẩm chất đó, tác giả làm nổi bật tư duy thích nghi là yếu tố quan trọng của người đa năng lực trong thế giới phẳng. Thiết nghĩ, chúng ta có thể nhìn thấy thực tế, trước tình hình đại dịch, khả năng thích nghi khiến chúng ta trở nên linh hoạt hơn trong một nền kinh tế không ổn định. Việc có nhiều nguồn thu nhập từ nhiều công việc tự do khác nhau giúp chúng ta ổn định cuộc sống. Đại dịch giúp chúng ta hiểu câu nói “không nên bỏ tất cả trứng vào cùng một giỏ” thực sự rất đúng đắn.
Lần giở những điều thú vị ở chương hai “Người đa năng lực: Những kẻ phất phơ hay nhà cách tân?”, Emilie Wapnick thẳng thừng chỉ ra rằng, nhiều cuốn sách hướng nghiệp giúp chúng ta ‘cắt gọt” các lựa chọn để đi theo khuynh hướng “một sự nghiệp, một chuyên môn”. Các trường đại học hay cao đẳng yêu cầu chúng ta phải xác định một chuyên ngành… Nhưng trong thế giới phẳng, nhà tuyển dụng, doanh nghiệp… cần bạn nhiều hơn một kỹ năng.
Thiết nghĩ, bạn có quyền học nhiều môn, đọc sách với nhiều thể loại, bàn ăn với nhiều món, yêu thích nhiều loại nhạc… Vậy tại sao cứ phải chọn một việc duy nhất khi chúng ta còn chưa biết tiềm năng của mình? Với “Đa năng trong thế giới phẳng”, Emilie Wapnick sẽ giúp bạn nhận ra rằng: Dù bạn có nhiều đam mê đến thế nào chăng nữa, chúng ta nên hiểu rõ mình là ai, dũng cảm thể hiện bản thân một cách chân thật nhất!
Thuật thôi miên trong giao tiếp
Bí quyết gầy dựng thiện cảm để tạo cuộc trò chuyện liền mạch
Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta sẽ cần tham gia rất nhiều cuộc trò chuyện và với rất nhiều người khác nhau. Bạn sẽ nói chuyện với anh tài xế xe công nghệ, cô bán bánh mì, thợ sửa điện, các giảng viên tại trường, những người bạn thân quen và cả những người bạn mới… Đồng thời, chúng ta sẽ có dịp nói chuyện với những người mà bạn thích và cả những người mà bạn không thích…
Nhưng cho dù thế nào, bạn nên nghĩ rằng, mỗi cuộc trò chuyện sẽ giúp bạn học được điều gì đó. Bởi lẽ, theo nhà khoa học Bill Nye đã từng nói: “Mỗi một người mà bạn gặp gỡ, họ sẽ biết điều gì đó mà bạn chưa biết. Mỗi người mà bạn gặp gỡ đều là những chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó”.
Thông qua quyển sách “Thuật thôi miên trong giao tiếp”, theo tác giả Hiroyuki Ishii, giải thích, mấu chốt của một người giao tiếp tốt chưa hẳn nằm ở điểm “khéo ăn khéo nói” mà chính là sự lắng nghe. “Người biết cách lắng nghe chính là người vừa trò chuyện, vừa quan sát kỹ người đối diện”.
Cũng theo nghiên cứu từ Hiroyuki Ishii, những ai thường gặp rắc rối trong các mối quan hệ đều có điểm chung là không biết quan sát sắc mặt và lắng nghe đối phương. Ngược lại, đa phần chúng ta thường chăm chăm vào việc ấn tượng của mình trong mắt người khác như thế nào. Vì vậy, điều kiện cần của một cuộc trò chuyện thú vị là sự cân bằng giữa trò chuyện và lắng nghe. Để đối phương tin tưởng và chia sẻ nhiều hơn, trước hết, hãy quan tâm, tập trung lắng nghe và tôn trọng đối phương. Điều này giúp những cuộc trò chuyện sẽ được kết nối liền mạch.
Lần giở quyển sách này, độc giả sẽ khám phá chi tiêt 2 kiểu người chính: Người thiên về cảm giác cơ thể (Physical) và người thiên về lý trí, logic (Emotional). Từ cơ sở lý thuyết, vị bác sĩ Nhật gợi mở cho bạn cách xây dựng thiện cảm, giúp bạn trở nên “hay ho”, là tuýp người dễ mến trong mắt mọi người. Phần cuối quyển sách mở ra nội dung trọng tâm, tổng hợp các kỹ thuật thôi miên để giúp bạn đạt hiệu quả giao tiếp trong các mối quan hệ xã hội.
Làm sao học ít hiểu nhiều
Dịch chuyển việc học từ “khổ sở” đến “niềm vui”
Theo bác sĩ tâm thần học kiêm nhà văn người Nhật – Zion Kabasawa, trong tác phẩm “Làm sao học ít hiểu nhiều”, chỉ ra rằng: “Nguyên tắc đầu tiên của việc học chính là định hướng phương pháp học. Thành tích học tập hiện tại không tốt hoặc kết quả nhận được không như mong đợi không phải do bạn sinh ra không thông minh. Cũng không phải do bạn không có tài năng trong lĩnh vực học thuật và nghiên cứu. Đó là do bạn chưa tìm được phương pháp học đúng…”
Trong “Làm sao học ít hiểu nhiều?”, tác giả Kabasawa lần lượt trình bày 5 lợi ích mà người trưởng thành thu được từ việc học, trong đó có giúp con người trưởng thành, chiến thắng những “cuộc chiến” trong đời sống, biến khủng hoảng thành cơ hội…
Học tập giúp con người phát triển, thể hiện bản thân. Trong quá trình đó, não sẽ tiết ra dopamine đem đến cảm giác hạnh phúc. Vì thế, theo quan điểm của tác giả, để có được hạnh phúc, con đường ngắn nhất chính là học tập.
Cuốn sách gợi ý một số phương pháp giúp độc giả trở nên yêu thích việc học tập như: Hỏi một người yêu thích học tập; lắng nghe các chuyên gia xung quanh; thử đọc sách của một người nổi tiếng thích học tập; tham gia cộng đồng học tập…
Nếu bắt đầu thấy việc học có sự thú vị, người học sẽ dần cảm thấy học tập là niềm vui và động lực cũng được nâng cao. Đây là lúc não vui vẻ nên khả năng tập trung, hiệu quả học tập và năng lực ghi nhớ được nâng cao.
Ở phần cuối, tác giả Kabasawa nhấn mạnh, để học tập hiệu quả, bạn nên tăng cường nỗ lực cho hiện tại, chứ không phải bởi vì suy nghĩ “tiếp tục cho tương lai”. Đừng nghĩ về việc còn một năm nữa sẽ đến kỳ thi, mà hãy nghĩ “hôm nay mình sẽ học 3 tiếng”, chuyện của ngày mai hãy cứ để đến ngày mai.
Cam kết cho hiện tại và sống cho hiện tại là bí quyết quan trọng để tiếp tục đầu tư cho việc học. Việc bạn nỗ lực với tâm thế thoải mái gần như mỗi ngày thì bất cứ điều gì cũng có thể được duy trì và đem đến kết quả ngạc nhiên. Đó là thông điệp ý nghĩa mà “Làm sao học ít hiểu nhiều” gửi gắm đến bạn đọc.
Hệ miễn dịch – Kiệt tác của sự sống
Điều kỳ diệu từ một cơ thể khỏe mạnh
Hệ miễn dịch – Kiệt tác của sự sống của Cao Bảo Anh là “chiếc la bàn” giúp bạn định vị trong hành trình tìm hiểu về tế bào, hệ miễn dịch. Với cách hành văn dí dỏm, hài hước, Cao Bảo Anh đã chọn nhân cách hóa tất cả tế bào trong hệ miễn dịch, chuyển đổi các tương tác sinh hóa đầy tính chuyên môn thành các cuộc hội thoại. Và biến những cơ chế sinh học phức tạp thành các bối cảnh chiến tranh. Từ đó, chúng ta có thể dễ dàng liên hệ thế giới bên trong cơ thể đến thế giới bên ngoài cơ thể.
Theo tác giả, tất cả tế bào được vận hóa một cách nhịp nhàng như một thế giới có trật tự, có mục đích… Ngay cả lớp tế bào chết trên bề mặt da, mồ hôi, hay vi khuẩn nội địa đều là một phần của hệ thống phòng vệ phức tạp và được vận hành một cách trơn tru, nhịp nhàng… giúp bảo vệ cơ thể khỏe mạnh – một kiệt tác của sự sống.
Sức khỏe của mỗi người cũng giống như một cơ hội mới. Có sức khỏe, chúng ta có một cơ thể cường tráng. Có sức khỏe, chúng ta có nhiệt huyết và đam mê. Có sức khỏe, chúng ta có niềm vui và trải nghiệm. Có sức khỏe, chúng ta xây dựng đam mê cống hiến công việc. Có sức khỏe, chúng ta có hạnh phúc…
Những quy tắc được đề cập trong “Hệ miễn dịch – Kiệt tác của sự sống” sẽ giúp bạn dung nạp thêm kiến thức về ăn uống, tập luyện, chút kiến thức về loại bỏ stress, đạt được sự thăng bằng trong cuộc sống tinh thần. Từ đó, bạn lắng nghe và thay đổi những thói quen không tốt từng chút mỗi ngày, để giữ thân thể lành mạnh, tâm trí cũng theo đấy mà vững mạnh, bình yên.